Du lịch Sơn Đoòng: phải chăng người Việt chỉ dám ước mơ?

Du lịch Sơn Đoòng, tài nguyên thiên nhiên vô giá mà chúng ta phải mất hàng triệu năm để có được.

Vì vậy, không nên hấp tấp bởi “viên ngọc thô” này có thể bị phá hủy trong chốc lát.

Nhiều tiền chưa chắc đã đi được!

Với mức giá đắt đỏ 3.000 USD/người (khoảng 64,5 triệu đồng) cho một tour du lịch khám phá hang Sơn Đoòng (Quảng Bình, Việt Nam), có lẽ người Việt Nam rất khó có cơ hội để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của di sản thiên nhiên thế giới tồn tại ngay trên chính quê hương mình.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp xây cáp treo sẽ hiện thực hóa giấc mơ khám phá “một vũ trụ bị bỏ quên nằm ẩn mình trong một hệ sinh thái độc đáo” của người Việt. Nhưng liệu điều này có làm mất đi vẻ nguyên sơ, kỳ bí, mạo hiểm – yếu tố độc đáo, hấp dẫn, khiến Sơn Đoòng không giống với bất cứ một hang động nào khác trên thế giới?

Đôi khi có nhiều tiền chưa chắc đã đi du lịch khám phá Sơn Đoòng được. Bởi đây là loại hình du lịch đặc thù, chưa đưa vào khai thác phổ thông (public tours) và mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm. Do đó, hiện nay, chỉ có duy nhất công ty Oxalis được UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép cho khai thác du lịch tại đây.

Muốn du lịch Sơn Đoòng, du khách phải đi bộ ít nhất là 10 tiếng và thông thường, một người đi thì phải có hai người đi theo trợ giúp. Bởi vậy, ngoài vấn đề về kinh tế, du khách phải trải qua một đợt kiểm tra sức khỏe rất nghiêm ngặt và đa phần người Việt mình không có đủ sức khỏe để tham gia lộ trình. Đó cũng là một phần lý do khiến cho tour du lịch này chủ yếu là người nước ngoài tham gia và giá cả đắt đỏ đến vậy.

Theo ông Nguyễn Hữu Bắc (Giám đốc công ty Lữ hành quốc tế TST Travel), chắc chắn các công ty du lịch trong nước đều rất muốn tổ chức các tour du lịch cho người Việt đến đây. Tuy nhiên, với tình trạng như hiện nay, rất khó để làm việc đó. Hang Sơn Đoòng nằm trong “lõi” của vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nên không đơn thuần chỉ dừng lại ở du lịch mà phải đảm bảo được các yếu tố như môi trường sinh thái, an ninh quốc gia,… Các công ty du lịch cũng phải có sự đầu tư kỹ lưỡng về phương tiện, nhân lực, kỹ thuật,…và không phải công ty nào cũng làm được điều đó.

Chính bởi vậy, ông Bắc cho rằng, giải pháp xây cáp treo là giải pháp có lợi và rất thiết thực, giúp người dân tiếp cận, biết đến và quảng bá được nhiều hơn di sản của đất nước.

“Thanh niên trai tráng, khỏe mạnh chưa chắc đã đi bộ được 10 tiếng để vào khám phá hang, chứ đừng nói gì đến những người ở lứa tuổi khác. Với một di sản thế giới tuyệt đẹp như vậy, chúng ta phải để cho mọi người Việt Nam đều có cơ hội được chiêm ngưỡng, khám phá. Nếu có cáp treo, mọi vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng hơn”, ông Bắc nhấn mạnh.

Đừng vô tư khai thác một di sản hàng triệu năm

Đại diện một công ty du lịch lớn có trụ sở ở Hà Nội bày tỏ: “Nhiều người không hiểu cứ liên tục chia sẻ, lo ngại về việc cáp treo sẽ phá hủy thiên nhiên, phá hủy tính nguyên sơ, nguyên bản của hang, phá hủy cảnh quan sinh thái, thậm chí còn lập nên các nhóm, hội để phản đối kịch liệt việc này. Tuy nhiên, mọi người cũng cần phải hiểu rằng, việc xây cáp treo là phục vụ cho lợi ích của cộng đồng và sẽ chỉ được thực hiện khi có những tính toán hợp lý nhất”.

Theo vị này, muốn xây cáp treo vào hang, cần lưu ý đến hai vấn đề. Thứ nhất, công nghệ, kỹ thuật áp dụng phải tiên tiến, hiện đại để không phá hủy cảnh quan thiên nhiên, môi trường, khai thác du lịch gắn liền với phát triển bền vững. Tốt nhất, nên lập hội đồng quốc gia để kiểm tra, khảo sát, tính toán, quy hoạch các tuyến cáp treo cho hợp lý.

Thứ hai là vấn đề chính danh của di sản thiên nhiên thế giới. Khi chúng ta đón nhận danh hiệu này của UNESCO cùng với những tài trợ đi kèm thì chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ di sản đó. Vì vậy, việc xây cáp treo bắt buộc phải có sự chấp thuận của UNESCO.

Thực tế, ở rất nhiều nước trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam, UNESCO đã từng “đe dọa” sẽ tước danh hiệu đó tại một số di sản vì sự quản lý yếu kém. Vậy nên, chỉ một hướng đi, một cách làm sai lầm sẽ khiến cho Sơn Đoòng mất đi tính thiên nhiên và mất luôn danh hiệu cao quý. Nếu đảm bảo được hai yếu tố đó, chúng ta hoàn toàn có thể xây cáp treo vào Sơn Đoòng.

Trái ngược với quan điểm trên, không ít cư dân mạng lại cho rằng, việc xây dựng cáp treo, tác động vào tour du lịch những yếu tố hiện đại sẽ làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của Sơn Đoòng. Chính sự hoang sơ, đường đi hiểm trở, không dễ để chinh phục đang là yếu tố mạo hiểm, hấp dẫn, thôi thúc khách du lịch đến khám phá.

Xây cáp treo, hang Sơn Đoòng sẽ sụp đổ?

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Lê Phương – Viện Địa chất và Địa vật lý biển, viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam- người đã cùng đoàn nghiên cứu người Anh khám phá ra Sơn Đoòng vào năm 2009 cho biết: Hang Sơn Đoòng nằm trong khối đá vôi Kẻ Bàng, có dạng đá vôi nguyên khối và độ tinh khiết rất cao, các vết đứt gãy trong hang vẫn còn hiện hữu rất rõ.

Điều đó cho thấy, cấu trúc địa chất của hang không hề bền vững. Việc thi công khoan móng ở bên cạnh cũng đủ gây ra chấn động dẫn đến sụp đổ trần hang thì không có lý gì lại đi thiết kế cáp treo chạy trên đỉnh núi.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Phúc Đức – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: Việc xây cáp treo phải dựa vào thực tế, phải xem xét, kiểm tra kỹ lưỡng, không thể chỉ ngồi bàn giấy để phán xét dựa theo nguyên lý.

Với Sơn Đoòng, nếu chúng ta chưa có phương pháp bảo tồn, chỉ phát triển một cách thuần túy bằng cách ồ ạt đưa người dân vào tham quan, khám phá, thì chắc chắn chỉ trong vòng 2-3 năm nữa, giá trị tự nhiên, nguyên thủy của hang sẽ không còn.

Chúng ta phải mất hàng triệu năm để có được một tài nguyên thiên nhiên vô giá như vậy nhưng để phá hoại nó thì có thể chỉ trong chốc lát. Đây là thực tế đã xảy ra tại các hang động nổi tiếng của Việt Nam. Vì vậy, mọi quyết định đều phải có căn cứ rõ ràng và phải đảm bảo được yếu tố tự nhiên của hang.

nguồn: Người đưa tin

Bạn thấy bài viết này thế nào?
[Trung bình: 0]