Phải lòng Seoul

Phải lòng Seoul

Có những thương yêu tưởng đâu đã thuộc về mùa cũ, nay chỉ cần một chút hồi tưởng xa xôi liền chợt vỡ òa.
Tôi đặt chân xuống sân bay Incheon, thành phố Seoul, Hàn Quốc một sớm mùa thu, độ cuối tháng 7. Người người lướt qua nhau trên phố, trong bến tàu điện ngầm nằm ở nhiều tầng sâu dưới lòng đất. Tưởng như cái tiết trời miết mải thu ngoài kia chẳng mảy may liên quan đến họ. “Chẳng ai bận tâm, thôi cứ để mùa tự đếm”, tôi đã tự nói với chính mình như thế lúc gửi đồ và bắt đầu hành trình khám phá Seoul của riêng mình.

Phai long Seoul 1

Seoul vào thu, thời tiết rất đỗi dễ chịu. Sáng nào tôi cũng cầm máy ảnh phim lang thang dọc con phố gần chỗ tôi trú chân, ghi lại những khung cảnh bình yên đến dịu dàng mà tôi biết rằng một ngày nào đó, khi mang máy tới hiệu để rửa ảnh, tôi sẽ lại ngỡ ngàng và không ngớt trầm trồ “À, thì ra mình đã từng đi qua một mùa thu tuyệt vời như thế!” Trời mộng mị, lãng đãng những vệt mây, còn nắng thì như gieo lên tóc tôi những sợi vàng óng ả, gió râm ran cùng những cô nàng đang tung tăng dạo phố ở khu chợ Namdaemun, cùng những khách du lịch ngồi uống cà phê nơi ban công một góc quán gần nhà hát Myeong-dong, cũng những người già đi bộ trong công viên Seoul sumun.

Trước ngày bay, bạn tôi nói người dân ở những nước phát triển như Hàn Quốc thường sống rất vội vã, chẳng mấy khi để ý đến người xung quanh. Sang tới nơi, chứng kiến những dòng người hối hả bước trên vỉa hè, tôi “gật gù” nhớ lại điều bạn nói. Thế nên, ngỡ ngàng lắm, bàng hoàng lắm khoảnh khắc người lạ đi cạnh bên đột nhiên đưa tay ra xách giúp túi đồ nặng trịch chứa đầy quà tôi tranh thủ mua để cho mọi người ở nhà. Còn nhớ hôm ấy, sau khi thăm quan cung Gyeongbokgung và Changgyeonggung, tôi vào trung tâm thương mại và trở ra với rất nhiều túi đồ. Liên tục đổi chuyến trong bến tàu điện ngầm với hơn năm kilôgam quà lưu niệm trên tay khiến tôi mỏi nhừ. Và người ấy xuất hiện, một chàng trai lạ mặt, cho đến tận bây giờ vẫn hoàn toàn xa lạ. Nhưng là người lạ quen thuộc, là người đã giúp tôi nhận ra rằng ở bất kì nơi đâu người ta cũng dành cho nhau một sự quan tâm lặng lẽ để rồi sẵn lòng giúp đỡ khi thực sự cần thiết.

Phai long Seoul 2

Ở Seoul tới ngày thứ tư, nắng màu xanh lục đậu xuống khung cửa sổ, tôi thơ thẩn không biết đến điểm nào kế tiếp. Lễ tân hostel đưa ra gợi ý dễ thương về một cung điện cách đây không xa, ngay gần City Hall: cung Deoksugung. Vẫn là những ngôi nhà cổ xưa giống hệt phim trường của các bộ phim cổ trang từng được xem trên TV, nhưng Deoksugung dường như chứa đựng một điều gì đó thực sự khác biệt. Không quá đông người thăm quan như các cung điện ở Samcheong-dong, cung Deoksugung khá bình yên, như một nốt trầm sâu lắng giữa thành phố phồn hoa, xô bồ. Vé người lớn là 1000won, trẻ con là 500won. Tôi rút từ trong ví ra 1000won, người soát vé đưa lại tôi 500. Tôi xua xua tay, nói mình lớn rồi. Cô bán vé trạc tuổi trung niên cười hiền từ, giục tôi vào trong kẻo muộn. Gió lìm lịm mượt mà trên da thịt, hong khô mấy giọt mồ hôi lấm tấm. Hay bởi thêm một lần nữa được nhận lòng tốt của người xa lạ, mà tôi chợt thấy cơ thể mình dịu đi, yên ả vô cùng.

Ngồi trên băng ghế đá gần bảo tàng nghệ thuật Seoul, nằm trong khuôn viên cung điện này, tôi chậm rãi uống cốc cà phê mua ở máy bán tự động. Có cảm giác như mình đang dần vừa vặn với thành phố này. Như thể, không phải tôi chỉ là một khách du lịch vừa đặt chân tới đây chưa được một tuần. Như thể, tôi không phải một người lạ. Bởi những người ở đây, có ai xem tôi là người lạ bao giờ? Cười, nếu có thể, tôi ước mình sở hữu chiếc máy ảnh thần kì, để ghi lại khoảnh khắc diệu kì ấy trượt qua tâm hồn mình. Khoảnh khắc ngồi giữa lòng Seoul, tận hưởng nhịp sống vừa hối hả vừa thư thái, bắt tay cùng thành phố nửa hiện đại phương Tây nửa truyền thống rất Á.

Phai long Seoul 3

Ngày cuối cùng ở Seoul, tôi đi bộ dọc bờ sông Hàn, để mặc những hạt mưa lất phất đậu trên mũ, trên áo. Tôi cứ miên man đi như thế, tự hỏi lòng mình rồi sẽ nhớ điều gì nhất khi rời khỏi nơi này, rồi sẽ kể với bạn những điều gì khi nhắc về thành phố này. Namsan Tower hay Dondaemun, cung điện hay những con phố đi bộ, tàu điện ngầm hay những người lạ mặt tốt bụng… Tôi ở Seoul, như một người khách lạ sống giữa nơi không quen, không có mối ràng buộc mơ hồ hay rõ rệt nào với những gì đang diễn ra xung quanh cả. Nhưng lại cứ thấy mình là một phần của nó, một phần của chút hối hả mà chậm rãi ấy. Để rồi hiểu ra, hình như người ta cũng thấy mình buồn, hình như Seoul cũng thấy tôi buồn. Nên cứ thương tôi hoài, giúp tôi hoài.

Trở về Việt Nam, bạn hỏi, chuyến đi thế nào. Tôi chỉ cười, và bảo, hình như tớ đã phải lòng nơi ấy. Vậy thôi.

Nguồn: bài dự thi “Ấn tượng Hàn Quốc” của Nguyễn Thị Thùy Dung

Xem Thêm Các Chủ Đề:

Bạn thấy bài viết này thế nào?
[Trung bình: 0]