Cơ hội cho du lịch trực tuyến cất cánh

Du lịch trực tuyến đang tạo ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch trong nước phát triển mạnh hơn và trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp không khói này đã đạt được kết quả ấn tượng sau một khoảng thời gian đầu tư mạnh cho mảng du lịch này.

Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho biết du lịch trực tuyến tại Việt Nam trong năm 2017 tăng trưởng tới 50%, cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại điện tử Việt Nam. Sự phát triển của mảng du lịch này sẽ còn mạnh hơn nếu các doanh nghiệp biết tận dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm và thu hút khách hàng, theo sự nhận định của các doanh nghiệp, chuyên gia tại diễn đàn về du lịch trực tuyến do Hiệp hội Du lịch và Hiệp hội Thương mại Điện tử tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua.

Diễn dàn du lịch trực tuyến 2018

Doanh thu tốt nhờ bán hàng trực tuyến

Tại diễn đàn “Du lịch trực tuyến Việt Nam 2018”, một số công ty du lịch cho biết họ vẫn tăng trưởng tương đối tốt trong lúc sự cạnh tranh trên thị trường du lịch đang diễn ra rất khốc liệt nhờ việc đầu tư vào kênh bán hàng, dịch vụ trực tuyến. Ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch và Thương mại Việt Nam Adventure Tours (Tugo.com.vn), nói khi thành lập Tugo đơn vị này nhận thấy mô hình du lịch truyền thống bộc lộ nhiều điểm hạn chế ở khâu quảng bá sản phẩm và đội ngũ nhân sự còn kém. Các doanh nghiệp du lịch phải tốn rất nhiều chi phí truyền thông nhưng không đo lường được hiệu quả.

Còn nếu muốn tiếp cận thêm khách hàng thì các doanh nghiệp du lịch truyền thống phải mở rộng điểm giao dịch, tăng số lượng nhân viên nhưng điều này cũng dẫn đến tăng chi phí hoạt động.

Tugo và giấc mơ về website thương mại điện tử về du lịch

“Do vậy, Tugo đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trực tuyến để khắc phục nhược điểm của mô hình kinh doanh du lịch truyền thống. Trong năm 2017, doanh thu của Tugo đạt hơn 400 tỉ đồng và đây là mức doanh thu mà Tugo dùng để báo cáo và đóng thuế”, ông Vĩ nói. Ông cho biết thêm Tugo là một công ty du lịch trực tuyến được thành lập cách đây bốn năm với các thành viên là những người đã có nhiều năm kinh nghiệm về kinh doanh du lịch và tiếp thị trực tuyến.

Du lịch trực tuyến cũng đóng góp đáng kể vào doanh thu của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) trong thời gian qua. Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist, cho biết doanh thu từ mảng lữ hành (bán chương trình du lịch) của Saigontourist trong năm 2017 đạt 4.250 tỉ đồng và tổng doanh thu từ du lịch trực tuyến của đơn vị này trong 10 tháng gần đây nhất là hơn
129 tỉ đồng.

Các số liệu được đưa ra tại diễn đàn “Du lịch trực tuyến Việt Nam 2018” cho thấy, các doanh nghiệp du lịch, kể cả các công ty mới hoạt động trên thị trường có thể đạt doanh thu khá nếu biết tận dụng cơ hội kinh doanh từ các hoạt động trực tuyến. Ông Vĩ cho rằng Tugo chắc chắn đã không đạt được kết quả kinh doanh tốt nêu trên nếu không khai thác mạnh mảng du lịch trực tuyến mà đi theo mô hình kinh doanh du lịch truyền thống. Hiện nay, Tugo có bốn văn phòng, chi nhánh ở TPHCM và một ở Hà Nội, và phần lớn lượng khách hàng của công ty đến từ mảng du lịch trực tuyến.

Du lịch trực tuyến ngày càng phát triển

Ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc Tế, Tổng Cục Du lịch Viêt Nam, cho biết một cuộc khảo sát với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vào năm 2017 cho thấy có tới 71% số du khách tham khảo thông tin điểm đến trên Internet và 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi tới Việt Nam. Còn theo bản báo cáo Google’s Consumer Barometer năm 2016, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở Việt Nam chỉ bằng 72% so với thị trường Mỹ, nhưng tỷ lệ người Việt Nam dùng điện thoại thông minh để tìm kiếm khách sạn là 48% trong khi người Mỹ chỉ là 18%. Tỷ lệ tìm kiếm thông tin du lịch tại điểm đến của người Việt Nam là 42%, trong khi người Mỹ chiếm 25%; tỷ lệ tìm hiểu các chuyến bay của người Việt Nam là 37%, trong khi tỷ lệ của người Mỹ là 18%.

Tại diễn đàn nói trên, ông Trương Sỹ Vinh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, cho biết Google và tập đoàn Temasek Holdings (Singapore) dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh từ 21,6 tỉ đô la Mỹ năm 2015 lên 89,6 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, trong đó, mảng du lịch trực tuyến tại Việt Nam chiếm 10%, tương đương 9 tỉ đô la. Còn Euromonitor International dự báo rằng doanh thu bán hàng du lịch trực tuyến tại Việt Nam sẽ duy trì mức độ tăng trưởng 12% trong giai đoạn 2015 – 2020.

Sự tăng trưởng mạnh của mảng du lịch trực tuyến ở Việt Nam đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước khai thác và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để thu hút thêm khách hàng. Ông Vinh cho biết hiện vẫn còn tỷ lệ lớn khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài và khách nước ngoài vào Việt Nam sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài.

Những rào cản cho du lịch trực tuyến

Dù phát triển mạnh trong thời gian qua, du lịch trực tuyến đang chịu không ít sự trở ngại từ chính những doanh nghiệp trong ngành và khuôn khổ pháp lý gây ra. Theo bản báo cáo được nêu trên của Google, phần lớn các công ty du lịch tại Việt Nam chưa thiết kế được giao diện trang web dành cho các thiết bị di động mà chủ yếu các trang web của họ chỉ dành cho máy tính để bàn. Do vậy, tốc độ truy cập vào các trang này thông qua các thiết bị di động bị chậm, khiến khách hàng vì chán nản mà rời bỏ và chuyển sang truy cập vào các trang khác.

Thị phần du lịch trực tuyến đang nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài

Ngoài việc thiết kế trang web thân thiện với người sử dụng, các công ty du lịch phải tận dụng được kênh này để chào bán sản phẩm, dịch vụ của mình. Nhiều sàn giao dịch điện tử du lịch nước ngoài không chỉ giúp doanh nghiệp quảng cáo và bán hàng mà còn hỗ trợ du khách trong việc lựa chọn dịch vụ, sản phẩm và thanh toán trực tuyến. Ông Tuấn Hà, Giám đốc Vinalink và là một chuyên gia về tiếp thị trực tuyến, cho biết để phát triển du lịch trực tuyến và khai thác một cách hữu hiệu kênh này thì các doanh nghiệp du lịch phải đẩy mạnh khâu tiếp thị trực tuyến. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành này mới dừng lại ở việc treo biển hiệu quảng cáo trên các trang web, gửi thư điện tử tiếp thị dịch vụ, sản phẩm trong khi tiếp thị trực tuyến hiện có rất nhiều công cụ hiện đại và hiệu quả mà chưa được các doanh nghiệp tận dụng một cách triệt để.

Phân tích thêm về những điểm hạn chế đối với doanh nghiệp du lịch Việt Nam khi tham gia kinh doanh trực tuyến, ông Vinh nói các doanh nghiệp du lịch trong nước chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và đầu tư cho các ứng dụng công nghệ… Hiện tại, hành lang pháp lý cho du lịch trực tuyến còn thiếu và chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin liên quan đến phát triển du lịch còn thấp.

Nói về thực trạng phát triển du lịch trực tuyến tại Việt Nam, ông Lê Tuấn Anh từ Vụ hợp tác Quốc Tế cho biết, ngoài các doanh nghiệp lớn và một số sàn giao dịch điện tử, các ứng dụng mà các doanh nghiệp áp dụng chủ yếu ở mức độ, giai đoạn phát triển ban đầu. Ngoài ra, việc thiếu sự liên kết, tích hợp dữ liệu toàn ngành dẫn đến sự phân tán về dữ liệu của ngành, chưa tạo ra dữ liệu chuyên ngành đủ lớn để hỗ trợ cho sự phát triển của các ứng dụng, tạo ra hệ sinh thái du lịch thông minh. Ông Anh cho rằng nguyên nhân hạn chế chủ yếu do nhận thức của các đơn vị chưa theo kịp với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nên còn dè dặt; chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa đơn vị phát triển công nghệ và các công ty trong ngành du lịch. Điều cũng quan trọng là cần phải có sự định hướng ứng dụng tổng thể để tạo cơ sở dữ liệu tích hợp đồng bộ, tạo ra hệ sinh thái du lịch thông minh.

Công nghệ còn hạn chế chưa thể bắt kịp thế giới

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho hay dù mảng du lịch này đang rất phát triển nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Đặc biệt là khuôn khổ pháp lý liên quan tới cơ sở dữ liệu và kinh doanh chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn chưa đủ tiềm lực để tiếp cận được công nghệ mới.

Ông Bình cho biết, hiện Hiệp hội Du lịch Việt Nam có 4.000 hội viên là các doanh nghiệp du lịch và hiệp hội dự định sẽ thành lập một câu lạc bộ công nghệ du lịch để bàn thảo các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của du lịch trực tuyến. Ông Bình nhấn mạnh rằng để ngành du lịch có thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn thì cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có du lịch trực tuyến và du lịch thông minh.

Ông Anh từ Vụ hợp tác Quốc Tế cho rằng việc ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin sẽ giúp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng sự hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này cũng đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch và điểm đến du lịch hướng tới hệ sinh thái du lịch thông minh. Song, để phát triển du lịch trực tuyến và hơn nữa là du lịch thông minh, ngoài sự tham gia của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), ông Anh cho rằng còn cần phải có sự tham gia của các bộ ngành liên quan để có thể đưa ra được những chính sách hợp lý cho mảng du lịch này. Các cơ quan liên quan được ông Anh đề cập đến bao gồm Bộ Ngoại giao và Bộ Công an (thị thực nhập cảnh; an ninh, an toàn); Bộ Giao thông Vận tải (vận tải hành khách); Bộ Tài chính (thuế); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (chính sách hỗ trợ doanh nghiệp); Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và

Đào tạo (nhân lực); Ngân hàng nhà nước (thanh toán điện tử)…

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử, cho biết ngành du lịch đang chiếm khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam và được kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của nền kinh tế khi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sự mong muốn này là rất khả thi nếu so với tiềm năng của ngành du lịch. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng muốn đạt được mục tiêu này thì còn nhiều việc phải làm, trong đó không được bỏ qua chính sách phát triển du lịch trực tuyến.

Ông Hưng cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội trong việc đẩy mạnh sự phát triển của du lịch trực tuyến song cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong công tác quản lý ở lĩnh vực này. Do đó, Nhà nước cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược phù hợp, nhất là cho loại hình du lịch trực tuyến. Chính sách luật pháp cần có bổ sung sửa đổi kịp thời để khuyến khích và quản lý hữu hiệu du lịch trực tuyến, đồng thời phát huy lợi thế và hạn chế rủi ro của nó.

Đến với Du Lịch Tugo bạn sẽ được thỏa sức trải nghiệm du lịch với một mức GIÁ CỰC MỀM so với thị trường (cam kết không phát sinh thêm bất kỳ chi phí nào), cùng đội ngũ NHÂN VIÊN NHIỆT TÌNH sẽ làm bạn hài lòng ngay từ trải nghiệm đầu tiên.

Liên hệ hotline: 1900 5555 43 | 028 7106 5543 để được tư vấn Miễn Phí.

Xem Thêm Các Chủ Đề:

Bạn thấy bài viết này thế nào?
[Trung bình: 0]